Quá trình oxy hóa và giải pháp chống oxy hóa trong chăn nuôi
Quá trình oxy hóa và giải pháp chống oxy hóa trong chăn nuôi
Công Ty TNHH ROXANE
Công ROXANE
Quá trình oxy hóa, chất chống oxy hóa là hai khái niệm phổ biến mà chắc hẳn ai cũng đã từng nghe qua. Thế nhưng thực chất oxy hóa là gì? Chất chống oxy hóa có vai trò như thế nào đối với cơ thể, thì có lẽ mọi người chưa thực sự nắm rõ. Bài viết này chúng tôi sẽ đề cập và mang đến cho người đọc những thông tin tóm tắt rõ ràng về quá trình oxy hóa cũng như tác hại của nó và hướng khắc phục stress oxy hóa để giúp vật nuôi khỏe mạnh hơn.
Sự oxy hóa và tác hại của nó đối với cơ thể vật nuôi
Oxy hóa là quá trình xảy ra phản ứng hóa học trao đổi điện tử electron, trong đó các electron được chuyển sang chất oxy hóa hình thành nên các gốc tự do. Sự gia tăng các gốc tự do trong cơ thể sinh ra các phản ứng phá hủy tế bào.
Gốc tự do (Free Radical) là một phân tử với một điện tử độc lập hay nói cách khác nó là một phân tử bị mất electron và dần trở nên bị mất cân bằng điện tích. Nguyên tử được xem là phần nhỏ nhất, cơ bản nhất tạo nên vật chất và một nguyên tử gồm một hạt nhân cùng các electron (e-) xung quanh. Thông thường, các phân tử bao gồm các nhóm nguyên tử được gắn kết với nhau nhờ các cặp electron.
Trong quá trình phản ứng hóa học, một electron bị kéo ra khỏi nguyên tử khiến phân tử bị mất một electron và trở thành gốc tự do, các gốc này xu hướng chiếm lấy electron của phân tử khác. Các đại phân tử trong tế bào như lipid, protein, carbohydrate và cả RNA, DNA đều có ái lực đặc biệt đối với các gốc tự do, từ đó trở thành đích nhắm tấn công của quá trình oxy hóa, và làm tổn thương các cấu trúc của tế bào.
Trong cơ thể, phản ứng oxy hoá sẽ tạo nên các gốc tự do. Các gốc tự do này sẽ tiến hành bắt lấy các electron của các phân tử bình thường trong tế bào, gây tổn hại đến tế bào đó. Sau khi gây hư hại một tế bào nó sẽ tiếp tục tạo ra các gốc tự do khác và gây stress oxy hóa đến những tế bào xung quanh. Quá trình này giống như một phản ứng dây chuyền, kết quả là gây tổn thương lớn đến màng tế bào, các phân tử protein và thậm chí DNA, làm biến đổi, rối loạn chức năng và làm tổn hại, thậm chí là gây chết tế bào.
Bên cạnh đó, các gốc tự do sẽ phá vỡ màng tế bào khiến chất dinh dưỡng bị thất thoát làm tế bào không thể tăng trưởng dẫn đến chết dần. Nó còn ngăn cản, phá hủy sự tổng hợp các phân tử enzyme trong tế bào, gây đột biến gene ở DNA, RNA hay ở nhiễm sắc thể. Mỗi ngày, có hàng trăm ngàn gốc tự do tấn công vào cơ thể. Khi đi vào cơ thể, các gốc tự do không ngừng tạo ra các gốc tự do và khiến các tế bào hoạt động bất thường. Đó chính là quá trình oxy hóa.
Nguyên nhân dẫn đến sự oxy hóa trong cơ thế vật nuôi
Sự oxy hóa xảy ra trong cơ thể vật nuôi do nhiều nguyên nhân, có thể do các yếu tố gây stress bên trong cơ thể cũng như các yếu tố gây stress từ bên ngoài.
Đối với heo, stress oxy hóa có thể xảy ra khi heo con thay đổi môi trường nuôi như cai sữa mẹ, tác mẹ, thay đổi khẩu phần ăn, tiêm vaccine, với heo lớn hơn có thể bị stress oxy hóa do tiếp xúc với mầm bệnh, nhiễm khuẩn, bị stress nhiệt, …
Đối với gia cầm, các yếu tố dẫn đến stress oxy hóa chẳng hạnh như chủng ngừa vaccin, bị nhiễm kí sinh trùng, độc tố nấm mốc, stress nhiệt, cắn mổ nhau, mật độ nuôi dày đặc, stress nhiệt,…
Tất cả các yếu tố trên sẽ làm mất cân bằng trạng thái bình thường của cơ thể dẫn đến stress oxy hóa và tạo ra các gốc tự do.
Vậy giải pháp nào giúp ngăn chặn quá trình oxy hóa xảy ra?
Bản thân mọi cơ thể động vật đều tự sản sinh ra các chất chống oxy hóa, tuy nhiên có rất nhiều tác nhân nội sinh và ngoại sinh tác động đến khiến cho cơ thể không thể cân bằng được hết các gốc tự do sinh ra. Vì vậy, người chăn nuôi cần phải bổ sung thêm các chất chống oxy hóa cho vật nuôi để giúp giảm số lượng hình thành các gốc tự do, giúp cho các tế bào trong cơ thể chúng được khỏe mạnh.
Chất chống oxy hóa là một giải pháp giúp ngăn chặn hoặc làm chậm quá trình oxy hóa. Chất chống oxy hóa được hiểu là chất khi được bổ sung vào cơ thể, nó sẽ trung hòa các gốc tự do,bảo vệ, ngăn quá trình phá hủy này bằng cách khử đi các gốc tự do, kìm hãm sự oxy hóa bằng cách oxy hóa chính chúng, giúp bảo vệ hàng tỷ tế bào bên trong cơ thể khỏi sự tấn công của các gốc tự do.
Bên cạnh các chất chống oxy hóa nội sinh được chính các cơ chế chuyển hóa của tế bào tạo ra, người ta nhận thấy rằng bổ sung chất chống oxy hóa ngoại sinh. Các chất oxy hoá ngoại sinh này có từ các nguồn thực vật thiên nhiên có chứa polyphenolic (polyphenol), vitamin E, vitamin C, carotenoid, khoáng vi lượng (selenium, manganese, kẽm), flavonoid, omega-3, omega-6,...cũng là cách giúp bảo vệ tế bào trong cơ thể chống lại các gốc tự do sản sinh trong quá trình sống, giúp vật nuôi tăng cường sức khỏe, nâng cao năng xuất và giảm được một phần chi phí khi sử dụng thuốc trị bệnh cho động vật, góp phần vào lợi nhuận của người chăn nuôi.